Vốn điều lệ là cơ sở xác định phần vốn góp và tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và các thành viên trong công ty, từ đó phân chia cổ tức cho hợp lý. Đối với nhà đầu tư, số liệu vốn điều lệ cũng được quan tâm đặc biệt
Thông tin về vốn điều lệ
Vốn điều lệ là tổng giá trị tất cả tài sản góp vốn hoặc cam kết góp vốn của chủ sở hữu, các thành viên công ty và các cổ đông góp vốn khi thành lập công ty. Vốn điều lệ được ghi trong điều lệ của công ty.
Đối với công ty cổ phần, vốn điều lệ chính là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hay được đăng ký mua khi thành lập công ty, số vốn này được chia thành nhiều phần bằng nhau.
Đối với công ty TNHH một thành viên, vốn điều lệ tính bằng tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, được ghi vào trong điều lệ công ty.
Đối với công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản vốn góp của các thành viên và được ghi trong điều lệ công ty.
Ngân hàng liên tục tăng vốn điều lệ
Đáng chú ý là dù được cơ quan điều hành “bật đèn xanh” để chia cổ tức bằng tiền mặt, song các nhà băng lại cho thấy sự thận trọng trong việc phân bổ kết quả kinh doanh. Cụ thể, phần lớn đều chọn giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hoặc phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP) để tăng vốn điều lệ. Đồng thời, chỉ có trong năm nay chỉ có 6/27 ngân hàng trên sàn chứng khoán là TPBank, VIB, MB, ACB, VPBank và HDBank có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt.
Về lý do chọn không chia cổ tức tiền mặt, giữ lại lợi nhuận và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, SHB giải thích việc này là để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, đầu tư cơ sở vật chất, số hóa, mở rộng quy mô cho vay và giữ chân nhân tài,… SeABank, OCB, và nhiều ngân hàng khác cũng có lý giải tương tự.
Xu hướng vốn của các ngân hàng hiện nay
Về xu hướng tăng vốn gần đây của các ngân hàng, tại chương trình “Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng – Điều gì đang diễn ra” do AFA Group tổ chức ngày 06/06/2023, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc công ty AFA Capital và là CEO của ứng dụng đầu tư tài chính thông minh TOPI cho rằng, trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản khó khăn, các thông tư tái cơ cấu nợ cho các khoản vay trong thời kỳ covid hết hiệu lực, tình hình kinh tế khó khăn và lãi suất tăng đã khiến cho áp lực nợ xấu tại các ngân hàng tăng lên.
Trên thực tế, báo cáo tài chính quý I/2023 của các nhà băng đã phản ánh rất rõ câu chuyện kể trên. Mặt khác, các số liệu cũng cho thấy bộ đệm dự phòng tại các ngân hàng cũng giảm xuống. Tất cả những điều này khiến cho các tổ chức tín dụng phải tăng vốn và tăng cường phòng thủ.
“Trên lý thuyết, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng phải đảm bảo được rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành, rủi ro thị trường và phải trên 8%. Khi rủi ro tín dụng tăng cao, tỷ lệ CAR sẽ sụt giảm, dẫn đến các ngân hàng phải tăng vốn để đảm bảo an toàn”, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.
Ông Tuấn thông tin thêm, mặc dù vừa qua Ngân hàng Nhà nước có ban hành thông tư 02 cho phép các ngân hàng cơ cấu nợ và không tính những khoản này tỷ lệ nợ xấu, song các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng. Do đó, dù có các biện pháp kỹ thuật giúp giữ CAR các nhà băng trên 8%, song giai đoạn này quan trọng nhất là vẫn phải tăng vốn.
Về bản chất, tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại sẽ không làm tỷ lệ CAR của các ngân hàng tăng lên, song hành động này sẽ giúp các nhà băng củng cố bộ đệm vốn, duy trì hệ số này ổn định.
Trên đây là những thông tin về vốn điều lệ cũng như những nguyên nhân cho thấy ngân hàng hiện nay đang đẩy mạnh việc tăng vốn điều lệ. Mong rằng, những thông tin mà chúng tôi mang đến sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!