Chi tiêu bằng thẻ tín dụng khá tiện lợi, tuy nhiên nếu tiêu mà không trả đúng hạn thì sẽ phải nộp lãi thẻ tín dụng tương đối cao. Để tránh những khoản phí không đáng có thì bạn nên tìm hiểu về các trường hợp phải chịu lãi suất, nắm được cách tính lãi và một số mẹo để tận dụng thời gian miễn lãi nhé.
1. Lãi suất thẻ tín dụng là gì?
Lãi suất thẻ tín dụng là khoản chi phí mà chủ thẻ phải trả nếu chi tiêu quá tay mà không đảm bảo chi trả theo quy định. Nói cách khác đây chính là phí phạt cho chủ thẻ nếu không hoàn thành nghĩa vụ trả lại số tiền mà mình đã sử dụng.
Lãi suất thẻ tín dụng sẽ phát sinh trong 1 số trường hợp như:
– Không trả dư nợ tối thiểu đúng hạn
– Dư nợ không được thanh toán hết trong thời gian miễn lãi
– Rút tiền mặt thẻ tín dụng, quy đổi ngoại tệ tại các quốc gia khác
2. Các loại lãi suất thẻ tín dụng phổ biến
Ngoài lãi suất tính trên số tiền dư nợ khi thanh toán mà chủ thẻ không thể hoàn trả theo quy định thì còn một số lãi suất khác áp dụng cho các giao dịch sử dụng thẻ. Cụ thể:
Lãi suất chung
Vì thẻ tín dụng cho phép chủ thẻ tiêu trước trả tiền sau nên mức lãi suất thẻ tín dụng này được tính tương tự như khoản vay thông thường, dao động từ 12 – 17% tùy vào từng loại thẻ và từng ngân hàng.
Lãi suất rút tiền mặt
Sử dụng thẻ tín dụng rút tiền mặt tại ATM chủ thẻ sẽ phải chịu mức phí từ 3 – 5% trên tổng giá trị giao dịch.
Lãi suất đổi ngoại tệ
Nếu sử dụng thẻ tín dụng ở quốc gia khác, chủ thẻ sẽ phải chịu mức lãi suất 2 – 4% dành cho phí chuyển đổi ngoại tệ.
3. Cách tính lãi thẻ tín dụng đơn giản, chính xác
Mức lãi suất thẻ tín dụng tương đối cao, vậy nên rất nhiều người thắc mắc rằng lãi thẻ tín dụng sẽ tính như thế nào? Trong mục này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách tính lãi suất thẻ tín dụng đơn giản nhất, có ví dụ cụ thể để bạn đọc hiểu và áp dụng ngay được.
Cách tính lãi suất thẻ tín dụng khi rút tiền mặt
Ví dụ: Bạn rút 2 triệu tiền mặt tại ATM ngày 1/5, chu kỳ thanh toán là 1/5 – 15/6 (45 ngày), lãi suất chung là 20%, phí rút tiền mặt theo quy định là 3%. Đến ngày 20/6 bạn mới thanh toán 3 triệu cho ngân hàng (trường hợp không phát sinh chi tiêu) thì số tiền lãi được tính như sau:
Phí rút tiền mặt: 2 triệu x 3% = 60.000 VNĐ
Tính lãi suất từ ngày 1/5 đến ngày 20/6 là: 2 triệu x 20% /365 x 50 ngày = 54.795 VNĐ
Tổng chi phí phải trả khi rút tiền mặt là: 60.000 + 54.795 = 114.795 VNĐ
Cách tính lãi suất thẻ tín dụng khi thực hiện các giao dịch thanh toán
Trường hợp 1: Thanh toán toàn bộ số dư sao kê (nợ kỳ trước, nợ rút tiền mặt, thanh toán tiêu dùng) vào ngày đến hạn thanh toán, chủ thẻ sẽ không bị tính lãi.
Ví dụ: Thẻ tín dụng của bạn được miễn lãi 45 ngày, chu kỳ thanh toán 30/4 – 30/5, ngày đến hạn thanh toán 15/6, Số tiền chi tiêu trong 30 ngày của tháng 5 như sau:
– 8/5 thanh toán tiêu dùng 4 triệu
– 15/5 thanh toán hóa đơn điện, nước 1 triệu
– 10/6 trả ngân hàng 5 triệu
Như vậy chủ thẻ sẽ không phải bị tính lãi bì hoàn thành nghĩa vụ trong thời gian được miễn lãi.
Trường hợp 2: Tới thời hạn thanh toán, chủ thẻ trả nợ nhiều hơn hoặc bằng khoản thanh toán tối thiểu, ngân hàng sẽ tính lãi tất cả các giao dịch từ trong kỳ sao kê tính từ ngày giao dịch thẻ được cập nhật cho tới ngày trả nợ. Phần dư nợ còn lại sẽ tiếp tục bị tính và hiển thị ở kỳ sao kê tiếp theo.
Ví dụ: Thẻ tín dụng của bạn được miễn lãi 45 ngày, chu kỳ thanh toán 30/4 – 30/5, ngày đến hạn thanh toán 15/6, lãi suất chung 20%, không có dư nợ đầu kỳ, dư nợ tối thiểu cần thanh toán 5% tổng tiền chi tiêu, không dư nợ đầu kỳ
Số tiền chi tiêu trong 30 ngày của tháng 5 như sau:
– 8/5 thanh toán tiêu dùng 4 triệu. Dư nợ 1: 4 triệu
– 15/5 thanh toán hóa đơn điện, nước 1 triệu. Dư nợ 2: 5 triệu
– 30/5 trả ngân hàng 4 triệu. Dư nợ 3: 1 triệu
Tiền lãi phải trả của số dư nợ 1 tính từ ngày 8/5 – 14/5 là:
Tiền lãi DN1 = 4 triệu x 20%/365 x 7 ngày = 15.342 VNĐ
Tiền lãi phải trả của số dư nợ 2 tính từ ngày 15/5 – 29/5 là:
Tiền lãi DN2 = 5 triệu x 20%/365 x 15 ngày = 41.096 VNĐ
Tiền lãi phải trả của số dư nợ 3 tính từ ngày 1/6 – 15/6 là:
Tiền lãi DN3 = 1 triệu x 20%/365 x 15 ngày = 8.219 VNĐ.
Tổng lãi mà chủ thẻ cần phải thanh toán tới ngày 15/6 là: 15.342 + 41.096 + 8.219 = 64.657VNĐ
Số tiền 1 triệu này sẽ tiếp tục bị tính lãi cho tới khi chủ thẻ thanh toán cho ngân hàng.
Cách tính lãi suất thẻ tín dụng khi chủ thẻ không thanh toán khoản thanh toán tối thiểu
Nếu chủ thẻ không thanh toán khoản dư nợ tối thiểu (5-10% tổng số tiền chi tiêu) thì sẽ bị tính lãi suất quá hạn và phạt trả chậm.
Ví dụ: Thẻ tín dụng của bạn được miễn lãi 45 ngày, chu kỳ thanh toán 30/4 – 30/5, ngày đến hạn thanh toán 15/6, lãi suất chung 20%, không có dư nợ đầu kỳ, dư nợ tối thiểu cần thanh toán 5% tổng tiền chi tiêu, không dư nợ đầu kỳ, phí trả chậm tối thiểu 150 nghìn đồng hoặc 5% số dư nợ tối thiểu cần trả.
Số tiền chi tiêu trong 30 ngày của tháng 5 như sau:
– 8/5 thanh toán tiêu dùng 4 triệu. Dư nợ 1: 4 triệu
– 15/5 thanh toán hóa đơn điện, nước 1 triệu. Dư nợ 2: 5 triệu
– 20/6 trả ngân hàng 4 triệu. Dư nợ 3: 1 triệu
Trong trường hợp này chủ thẻ đã không thanh toán đủ số dư tối thiểu vào 15/6 nên số tiền 5 triệu này sẽ bị tính lãi.
Tiền lãi phải trả của số dư nợ 1 tính từ ngày 8/5 – 14/5 là:
Tiền lãi DN1 = 4 triệu x 20%/365 x 7 ngày = 15.342 VNĐ
Tiền lãi phải trả của số dư nợ 2 tính từ ngày 15/5 – 20/6 là:
Tiền lãi DN2 = 5 triệu x 20%/365 x 36 ngày = 98.360 VNĐ
Phí trả chậm = (5 triệu x 5%) x 5% phí trả chậm = 12.500 < 150.000 nên phải đóng 150.000
Như vậy thì tổng lãi cần đóng là: 15.342 + 98.360 + 150.000 = 263.702VNĐ
4. Cách hạn chế bị đánh lãi thẻ tín dụng
Để hạn chế bị tính nhiều lãi thẻ tín dụng thì chủ thẻ có thể áp dụng 1 số mẹo sau đây:
– Giao dịch vào đầu chu kỳ thanh toán, thời điểm này có thời gian miễn lãi dài, dễ cân đối tài chính
– Hạn chế giao dịch vào cuối chu kỳ sao kê: Ở khung thời gian này thì số ngày miễn lãi không còn nhiều, nếu không đủ khả năng chi trả sẽ bị đánh lãi nhiều hơn.
– Cài đặt tự động thanh toán dư nợ: Quên thanh toán cũng khiến bạn bị phạt nên hãy cài đặt thanh toán tự động và thông báo.
– Thanh toán hết dư nợ để được miễn lãi cho các kỳ tiếp theo
– Lên kế hoạch chi tiêu vừa khả năng chi trả
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về cách tính lãi suất thẻ tín dụng và những trường hợp bị tính lãi. Hy vọng qua bài viết thì bạn đọc có thể nắm được nhiều thông tin hữu ích, lên kế hoạch chi tiêu để lãi suất thẻ tín dụng không còn là nỗi lo lắng nữa.